Hiểu thêm về 6 nguyên tắc tiếp thị y tế cơ bản

Cách hiệu quả nhất để thích nghi, tiến bộ và phát triển là gì? Đó là thường xuyên quay lại những điều cơ bản. Cũng giống như các vận động viên, nghệ sĩ và diễn viên chuyên nghiệp thực hành những kỹ thuật đã được thử nghiệm để tiếp tục trau dồi kỹ năng, người làm tiếp thị y tế, chăm sóc sức khỏe cũng có thể và nên làm như vậy.

Phải thừa nhận rằng chủ đề rộng lớn của tiếp thị y tế và chăm sóc sức khỏe thành công rất phức tạp, đôi khi khó hiểu. Thế nhưng mặc dù hoạt động tiếp thị thay đổi hàng ngày, bao gồm cả công nghệ, dữ liệu, sở thích, hành vi của người tiêu dùng, thì các nguyên tắc tiếp thị y tế cơ bản vẫn không thay đổi. Mặc dù kỹ thuật số và thiết bị di động tiếp tục mở ra những cánh cửa mới cho người tiêu dùng cũng như các nhà tiếp thị và vô số xu hướng, mô hình truyền thông mới liên tục xuất hiện, những nguyên tắc cơ bản này vẫn đúng với tiếp thị y tế.

Vậy những nguyên tắc cơ bản có thật sự đơn giản? Giống như nhiều độc giả tại thời điểm này, bạn có thể nghĩ rằng “không thể đơn giản như vậy được”. Bởi nếu bạn tìm kiếm “tiếp thị y tế, chăm sóc sức khỏe hiệu quả”, bạn sẽ nhận được hàng tá chiến lược và khám phá thêm hàng chục chiến thuật nữa khi bạn nhấp vào. Chẳng bao lâu sau đó, bạn tiếp tục đi xuống một đống bài báo, podcast và video hướng dẫn, không biết nên bắt đầu từ đâu. Đây là một mẹo: Hãy bắt đầu bằng cách nắm bắt 6 nguyên tắc cơ bản được chúng tôi chia sẻ ngay sau đây. Với 6 nguyên tắc tiếp thị y tế này, bạn sẽ có một nền tảng vững chắc để quản lý và vận hành marketing tích hợp dễ dàng.

1 – Referral marketing – tiếp thị giới thiệu

Một nguồn giới thiệu bệnh nhân mới đến liên tục và đáng tin cậy từ bệnh nhân hiện có là mạch máu của nhiều phòng khám, bệnh viện. Và cho dù đó là kênh chính hay kênh phụ, các nguồn giới thiệu chuyên nghiệp của bạn cần được trau dồi liên tục. Đừng coi chúng là điều hiển nhiên. Việc giới thiệu bệnh nhân mới không xảy ra chỉ đơn giản vì bạn là một nơi cung cấp dịch vụ điều trị tốt. Sự thành công của chương trình referral marketing nằm ở việc phòng khám có một kế hoạch bài bản cùng hệ thống giới thiệu vững chắc và có thể đo lường. Hệ thống này được xây dựng dựa trên chất lượng dịch vụ y tế, trải nghiệm bệnh nhân, giao tiếp mạnh mẽ hai chiều với bệnh nhân và mục tiêu tiếp thị rõ ràng. Một chương trình referral marketing được thực hiện tốt có thể trở thành nam châm vô giá gắn kết bệnh nhân hiện tại, khích lệ họ giới thiệu phòng khám và mang lại bệnh nhân mới với chi phí thấp.

2 – Tiếp thị trực tuyến

Từ trang web và các phương tiện truyền thông xã hội, đến cổng thông tin bệnh nhân và ứng dụng di động, các nền tảng trực tuyến là kênh chủ lực để tiếp thị, quảng cáo và quan hệ công chúng. Thiết lập sự hiện diện trực tuyến là rất quan trọng đối với sự phát triển của tổ chức y tế vì bệnh nhân gần như thường xuyên có mặt trong thế giới kỹ thuật số và hơn 90% người trưởng thành có nhu cầu khám chữa bệnh sẽ tìm kiếm các nguồn đánh giá online. Tiếp thị trực tuyến cho phép bạn tiếp cận với nhiều đối tượng hơn, phân đoạn và nhắm mục tiêu tốt hơn. Cách bạn sử dụng tiếp thị trực tuyến gồm: SEO, quảng cáo PPC, content marketing, social media marketing, email marketing… có thể mang lại hiệu quả và lợi nhuận cao, hoặc lãng phí rất lớn thời gian và tiền bạc. Xét về lâu dài, trải nghiệm của bệnh nhân và danh tiếng thương hiệu sẽ vẫn là yếu tố quan trọng nhất cho một chiến lược tiếp thị trực tuyến thành công.

3 – Xây dựng thương hiệu

Thương hiệu trong y tế, chăm sóc sức khỏe, ở một mức độ nào đó, còn là một khái niệm tương đối mới. Trong quá khứ, ngành y tế không thực sự cần phải xây dựng thương hiệu bởi vì nó chưa phải đối mặt với mức độ cạnh tranh như bây giờ. Số lượng lựa chọn của bệnh nhân – hay người tiêu dùng dịch vụ y tế trên thị trường đã tăng lên đáng kể, và đột nhiên các phòng khám, bệnh viện phải thu hút bệnh nhân theo những cách mà trước đây họ chưa từng làm. Điều này có nghĩa là các cơ sở y tế phải đối mặt với những thách thức mới và những cơ hội mới đang mở ra để xây dựng thương hiệu một cách hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu y tế là quá trình định hình cách nhìn nhận về một tổ chức y tế cho công chúng mục tiêu. Thương hiệu, sau tất cả, chính là nhận thức. Thương hiệu của bạn là cách tổ chức của bạn được những người trải nghiệm cảm nhận. Những người đó bao gồm bác sĩ, y tá, nhân viên nhưng trên hết là bệnh nhân của bạn. Thương hiệu chăm sóc sức khỏe giúp các tổ chức đảm bảo rằng họ được nhìn nhận theo cách họ muốn: Đáng tin cậy, chuyên môn và kinh nghiệm lâm sàng cao, quan tâm bệnh nhân sâu sắc, công nghệ tiên tiến… Không chỉ đơn giản là một cái tên, dòng giới thiệu, logo hoặc thông điệp, thương hiệu của tổ chức y tế là cảm giác dễ nhận biết mà những yếu tố này gợi lên. Thương hiệu đảm bảo rằng các yếu tố này kết hợp với nhau trong một hệ thống nhận diện gắn kết, có định vị rõ ràng, được truyền tải nhất quán trên nhiều điểm tiếp xúc của thương hiệu.

Một thương hiệu phòng khám mạnh đòi hỏi một chiến lược xây dựng thương hiệu cao cấp và dài hạn, đòi hỏi thời gian và nỗ lực. Nó phân biệt dịch vụ của bạn với dịch vụ của đối thủ cạnh tranh. Nó nói với bệnh nhân những câu chuyện, thông điệp của thương hiệu theo một cách độc đáo. Nó làm phòng khám nổi bật giữa đám đông theo một cách tích cực.

4 – Tiếp thị nội bộ

Định nghĩa của tiếp thị nội bộ bạn thường thấy trong giáo trình marketing là: Hoạt động truyền thông sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi, văn hóa doanh nghiệp, sản phẩm và dịch vụ của công ty tới các nhân viên trong tổ chức, nhằm mục đích tăng cường sự gắn bó của nhân viên với các mục tiêu của công ty và thúc đẩy việc quảng bá thương hiệu. Tuy nhiên, thuật ngữ tiếp thị nội bộ trong ngành y tế và chăm sóc sức khỏe được Giaiphapclinic đề cập ở đây mang ý nghĩa khác với những gì bạn đã biết.

Trong thế giới tiếp thị y tế, chúng tôi xác định tiếp thị nội bộ bao gồm một loạt các chiến lược và chiến thuật khai thác sức mạnh của cơ sở bệnh nhân hiện có. Tùy thuộc vào bản chất hoạt động của phòng khám, cơ sở bệnh nhân hiện có chính là nguồn tài nguyên phong phú để bạn:

  • Xây dựng chương trình giới thiệu bệnh nhân mới đầy cảm hứng. Nếu họ hài lòng với dịch vụ điều trị, chăm sóc của bạn, họ có thể sẵn sàng giới thiệu và lan tỏa thương hiệu phòng khám cho gia đình và bạn bè.
  • Khai thác cơ hội để bán chéo và bán tiếp dịch vụ y tế. Bệnh nhân hiện tại có thể mua các dịch vụ hoặc tiện ích bổ sung từ phòng khám họ đã tin cậy. Mối quan hệ hiện có với phòng khám, bác sĩ, nhân viên mang lại cho bệnh nhân sự tin tưởng, quen thuộc và loại bỏ các rào cản về việc lựa chọn tiếp tục sử dụng dịch vụ trong tương lai.
  • Xây dựng thương hiệu và danh tiếng thông qua lời chứng thực, đánh giá của bệnh nhân hiện tại. Thiết lập bằng chứng xã hội từ bệnh nhân về những trải nghiệm điều trị của họ không chỉ có sức thuyết phục rất lớn với bệnh nhân mới mà còn tạo sức mạnh thúc đẩy các bệnh nhân hạnh phúc hiện có chia sẻ câu chuyện của họ bằng tiếng nói, cảm xúc của họ. Điều này sẽ tạo ra một thông điệp mạnh mẽ cho cả mục đích xây dựng thương hiệu và chuyển đổi.

5 – Tiếp thị truyền thống

Đây là hoạt động tiếp cận những bệnh nhân tiềm năng chưa biết đến cơ sở y tế thông qua cách thức truyền thống là tạo lực đẩy thông tin đến họ. Quảng cáo trên báo đài, truyền hình, OOH, POSMs… là các kênh tiếp thị truyền thống để bạn gửi thông tin đến đại chúng, tìm kiếm đối tượng phù hợp cần biết thông tin về dịch vụ y tế hoặc thương hiệu của bạn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là những nơi đặt OOH, kênh TV, báo đài được lựa chọn một cách ngẫu nhiên. Để tiếp thị truyền thống đạt hiệu quả, người làm marketing phải xác định được nhân khẩu học, hành vi, sở thích cụ thể của bệnh nhân mục tiêu và tìm ra điểm chạm tối ưu thay vì sử dụng các kênh với quan điểm “thừa còn hơn thiếu, bỏ thì thương vương thì tội”. Trên thực tế, đa phần các hoạt động tiếp thị truyền thống sẽ tốn nhiều chi phí hơn, cần nhiều thời gian hơn để thu hồi vốn, khó định lượng và khó theo dõi hơn tiếp thị trực tuyến.

6 – PR – Quan hệ công chúng

Không phải là book bài trên báo và trả tiền – đây là cách thức truyền thông sai lệch với bản chất của PR. Cũng không phải là thông cáo báo chí, họp báo, tài trợ sự kiện, KOLs… – thực tế đó chỉ là công cụ! PR đúng nghĩa là một quá trình giao tiếp chiến lược nhằm xây dựng các mối quan hệ cùng có lợi giữa các tổ chức và các nhóm công chúng của họ. Trong khi tiếp thị trực tuyến hay truyền thống liên quan trực tiếp đến mục tiêu tăng số lượng bệnh nhân, tăng doanh thu thì PR ít liên quan trực tiếp hơn và mục tiêu của nó là cải thiện mối quan hệ giữa thương hiệu với công chúng mục tiêu. Khi được triển khai và dẫn dắt một cách thận trọng bằng chiến lược dài hơi, PR mang đến cho các cơ sở y tế cơ hội thắt chặt mối quan hệ ý nghĩa với bệnh nhân hiện có đồng thời mở ra cơ hội thu hút bệnh nhân mới một cách hiệu quả và đáng tin cậy.

Nhờ những đặc tính độc đáo của mình, PR sẽ bổ sung cho các loại hình tiếp thị khác, hoạt động hiệp lực để giúp tổ chức y tế đạt được mục tiêu xây dựng thương hiệu, truyền tải thông tin, thúc đẩy giao tiếp hai chiều, duy trì mối quan hệ với bệnh nhân và thực hiện trách nhiệm xã hội (CSR).

  • Giáo dục bệnh nhân: Mục tiêu là giải thích cho bệnh nhân và đạt được sự thông hiểu về những gì tổ chức y tế của bạn đang làm và tại sao điều đó lại quan trọng.
  • Xây dựng niềm tin: Đây là chìa khóa của hoạt động PR ngành y tế. Bạn sẽ cần tận dụng sự đưa tin khách quan của các phương tiện truyền thông để giới thiệu bác sĩ và định vị thương hiệu theo một khía cạnh có sức ảnh hưởng và tích cực. Chăm sóc sức khỏe là một chủ đề nhạy cảm, cá nhân và vô cùng quan trọng đối với cuộc sống con người. Do đó, thay vì book và đi bài hàng loạt theo hướng quảng cáo chủ quan, sai lệch với bản chất của PR là không tự mình nói về mình, bạn sẽ cần triển khai các hoạt động ý nghĩa, truyền cảm hứng và cung cấp cho báo chí các thông tin giá trị để được đưa tin khách quan và đạt được sự tin tưởng từ người đọc.
  • Thúc đẩy cộng đồng: PR trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe không nhằm mục tiêu tạo ra nhiều không gian hơn để tiếp tục quảng bá dịch vụ y tế, chất lượng điều trị mà nhằm mục tiêu xây dựng không gian chăm sóc sức khỏe thực sự giúp ích cho mọi người. Họ không chỉ là những người có tiềm năng trở thành bệnh nhân của bạn mà còn là những người thuộc nhóm đối tượng bạn có thể hướng dẫn, đưa ra lời khuyên chăm sóc sức khỏe, phù hợp với chuyên môn của cơ sở y tế. Nhóm đối tượng này có thể sẽ không trở thành người sử dụng dịch vụ y tế nhưng chắc chắn sẽ trở thành người ủng hộ thương hiệu của bạn từ bên ngoài. Thông qua hoạt động này, bạn cũng sẽ tạo được niềm tin và nhận được sự đánh giá cao từ cả bệnh nhân và cộng đồng.

Nguồn bài viết tham khảo: Getreferralmd, Healthcaresuccess.

Bài viết tương tự