5 mẹo viết và lập kế hoạch SEO cho phòng khám

Các phương pháp hay nhất về tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) luôn được xem xét và thay đổi. Do đó, viết nội dung SEO cho phòng khám cũng cần kịp thời thích ứng với những thay đổi này.

Có một câu nói phổ biến trong content marketing mà ai cũng biết là “Content is King – Nội dung là Vua”. Trên thực tế, quan điểm đó vượt ra ngoài copywriting – sáng tạo nội dung thuần túy và nó phải liên quan đến SEO. Vì content marketing và SEO hoạt động song song, cho nên điều quan trọng là nội dung bạn tạo ra phải đạt được các mục tiêu về hiệu suất SEO. Những mục tiêu đó không thể đạt được nếu không có sự hiểu biết nền tảng vững chắc về SEO và cách chúng được áp dụng vào việc xây dựng, triển khai content trong ngành y tế. Sau bài viết về 7 nguyên tắc làm content marketing y tế tạo ra nội dung đáng đọc, Giaiphapclinic chia sẻ đến bạn 5 mẹo viết và lập kế hoạch SEO cho phòng khám đảm bảo nội dung đạt hiệu suất cao. Hãy cùng tham khảo nhé!

1 – Xem xét bệnh nhân trên hành trình nhận thức đến hành động

Mỗi phòng khám trước hết phải xem xét mục tiêu kinh doanh của mình khi xây dựng chiến lược marketing. Sau đó là nhu cầu và động lực sử dụng từng dịch vụ y tế của bệnh nhân mà phòng khám hướng tới. Các chiến lược SEO phòng khám cần mở rộng mức độ tương tác với bệnh nhân trên suốt phễu tiếp thị để đảm bảo bạn đang thúc đẩy bệnh nhân một cách hiệu quả từ nhận thức đến hành động. (Xem thêm về phễu tiếp thị ngành y tế). Công việc của người làm marketing là hiểu nhu cầu của bệnh nhân ở mỗi giai đoạn thông qua nghiên cứu SEO và điều chỉnh sản xuất nội dung để đáp ứng những nhu cầu đó.

Ví dụ: Những người có nhu cầu khám chữa bệnh thường bắt đầu tìm kiếm bằng một triệu chứng/ vấn đề. Trừ khi họ là những bệnh nhân có kiến thức cao, nếu không họ sẽ không bắt đầu tìm kiếm với từ khóa dạng “Viêm gân gót chân/ Viêm gân Achilles” ngay cả khi đó chính là bệnh lý họ đang đối mặt. Những gì họ bắt đầu tìm kiếm là “Đau gót chân”.

Thông thường, ở vòng tìm kiếm đầu tiên, bệnh nhân chủ yếu sẽ tìm bằng các từ mô tả triệu chứng. Sau đó, họ sàng lọc được thông tin mô tả chính xác về tình trạng họ gặp phải và có thêm từ vựng mới, phù hợp để tìm kiếm sâu hơn. Một người bị đau gót chân biết rằng anh ấy sẽ tìm được thêm thông tin về cơn đau của mình nếu anh ấy tìm kiếm “đau gót chân” dù nó còn chung chung. Vòng tìm kiếm tiếp theo sẽ xác nhận giả thuyết rằng anh ấy mắc chứng bệnh về gân Achilles và cung cấp cho anh ấy một số kiến ​​thức ban đầu về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị. Tiếp đến anh ấy sẽ thu hẹp tìm kiếm của mình thành “Phẫu thuật gân Achilles” nếu đó là lựa chọn điều trị khớp với tình trạng anh ấy gặp phải. Từ đây, anh ấy sẽ dành thời gian để tìm hiểu về cuộc phẫu thuật cũng như những thách thức trong việc hồi phục. Vòng tìm kiếm tiếp theo có thể sẽ là lần đầu tiên anh ấy tìm kiếm cơ sở y tế mà anh ấy có thể được điều trị, cho dù đó là phẫu thuật, trị liệu thần kinh cột sống liên quan đến bệnh lý điểm bám gân Achilles hay các biện pháp điều trị tại nhà.

Theo ma trận từ khóa từ nhận thức đến hành động được ví dụ trên, bạn cần trả lời được các câu hỏi sau và lấy đó làm định hướng cho việc lập kế hoạch nội dung của mình:

  • Bệnh nhân mục tiêu của chiến dịch SEO này là ai?
  • Họ tìm kiếm những gì?
  • Họ đang tìm kiếm thông tin gì ở mỗi giai đoạn trên hành trình từ nhận thức đến hành động?

Bên cạnh đó, các công cụ như SEMrush và Google Keyword Planner sẽ giúp bạn làm sáng tỏ câu hỏi: Nên nhắm mục tiêu từ khóa và cụm từ khóa nào? Bằng cách xác định từ khóa mà bệnh nhân mục tiêu đang tìm kiếm, bạn có thể lập kế hoạch nội dung cho phòng khám hiệu quả hơn, điều chỉnh nội dung bài blog, mẫu quảng cáo cũng như chiến lược quảng cáo tập trung hơn vào các từ khóa và cụm từ mà bệnh nhân đang tìm kiếm.

2 – Cung cấp đầy đủ các yếu tố thuộc Technical SEO

Có nhiều khía cạnh đối với “siêu dữ liệu SEO” ngành y tế cần xem xét khi xây dựng các trang và nội dung trên website phòng khám. Một trong số đó là Technical SEO (SEO kỹ thuật), bao gồm dữ liệu nền mà Google cần để quét và xếp hạng các trang web của bạn một cách chính xác. Tương tự như cách hệ thống thập phân Dewey giữ cho sách ở thư viện được ngăn nắp, việc luôn cung cấp đầy đủ dữ liệu nền đảm bảo rằng website của bạn đã được gắn nhãn và lưu trữ nội dung hiệu quả. Dưới đây là danh sách ngắn cần kiểm tra để nội dung trên trang được tối ưu hóa cho các công cụ tìm kiếm:

  • Metadata (siêu dữ liệu): Gồm các yếu tố như thẻ tiêu đề, mô tả meta, văn bản thay thế trên hình ảnh, cụm từ khóa tập trung (từ khóa chính)… Tất cả sẽ cho phép Google thu thập dữ liệu trang của bạn và phân tích nó hợp lý.
  • Định dạng: Tiêu đề phụ (H1, H2, H3…), nội dung in đậm/ in nghiêng, liên kết trong trang và ngoài trang, độ dài bài viết đều có thể ảnh hưởng đến thứ hạng trang của bạn.
  • Tối ưu hóa nội dung và trang web: Tốc độ tải trang chậm, lỗi hình ảnh, không tương thích với thiết bị di động và nội dung lỗi thời đều có thể làm giảm thứ hạng website. Bên cạnh đó, hãy liên tục tìm cách cải thiện các chỉ số như thời gian trên trang của người dùng, tỷ lệ click chuột…

3 – Ưu tiên xây dựng nội dung uy tín, có thẩm quyền (Authority content)

SEO kỹ thuật chỉ là một mặt của thang đo để người làm marketing cân bằng hiệu suất nội dung mình tạo ra. Một mặt khác chính là tính thẩm quyền của nội dung cũng cần được xem xét đến. Đầu tư phát triển các nội dung có tính thẩm quyền cao là liên tục tạo ra và phân phối thông tin giá trị, hữu ích, chính xác, có chiều sâu để thu hút sự chú ý, tương tác và tin tưởng cho một nhóm bệnh nhân được xác định rõ ràng với mục tiêu giúp họ đạt được các lợi ích từ dịch vụ điều trị của phòng khám. Nội dung có thẩm quyền cao ảnh hưởng trực tiếp lên 2 thang đo định tính giúp tăng cường khả năng hiển thị và xếp hạng tổng thể của trang web là:

(1) Page Authority: Một chỉ số đánh giá, dự đoán mức độ xếp hạng của trang web trên trang kết quả tìm kiếm. Page Authority càng cao, càng có nhiều khả năng trang web được xếp hạng tốt. Mức thang điểm của chỉ số này là 100.

(2) Domain Authority: Một chỉ số đánh giá xếp hạng trang web trên công cụ tìm kiếm, dựa trên mức độ phổ biến, kích thước website và độ tuổi của tên miền. Mức thang điểm của chỉ số này là 100.

Để tạo ra nội dung có thẩm quyền, dưới đây là một số thành phần SEO bạn cần xem xét:

  • Phát triển backlinks từ nội dung của các trang thông tin y tế, chăm sóc sức khỏe đến nội dung của bạn để tăng thêm thẩm quyền, uy tín cho nội dung của bạn.
  • Sản xuất nội dung có sự tham gia của bác sĩ, chuyên gia y tế uy tín, đặc biệt là trong bài blog, advertorial, editorial.
  • Tối ưu SEO Local (SEO địa điểm) giúp website tiếp cận nhiều người dùng trong một khu vực nhất định thông qua việc cập nhật thường xuyên Google My Business, đánh giá online của khách hàng về phòng khám, chia sẻ trên các mạng xã hội…
  • Mở rộng hợp tác, chia sẻ nội dung với các cơ sở y tế khác để phòng khám của bạn được giới thiệu, viết đến trong nội dung của họ.

4 – Xây dựng các trang trụ cột (Pillar page) cho phòng khám

Như chúng tôi đã đề cập: Cách mọi người tìm kiếm đã thay đổi. Công cụ tìm kiếm đang không ngừng phát triển để sắp xếp hàng nghìn nội dung và cung cấp kết quả tốt nhất, chính xác nhất có thể. Giờ đây, trang web của bạn cần được tổ chức theo các chủ đề chính khác nhau, với các bài blog về các từ khóa đuôi dài cụ thể và rõ nghĩa, được liên kết chặt chẽ, để giải quyết càng nhiều tìm kiếm về một chủ đề càng tốt.

Theo cấu trúc này, bạn cần xây dựng các Pillar page – là trang nội dung trụ cột, bao quát toàn bộ chủ đề chính và liên kết đến các bài viết chuyên sâu về các chủ đề phụ cụ thể. Hãy xem Pillar page giống như mục lục và các cụm trang bài viết chuyên sâu giống như các chương riêng lẻ. Đặc biệt, Pillar page có thể bao gồm một loạt các liên kết đến các trang dịch vụ có liên quan, các bài blog, trang truyền thông xã hội, ebook, landing page. Khi bạn đã thiết lập các trang trụ cột cho từng chủ đề cốt lõi của mình, hãy thường xuyên xuất bản nội dung hỗ trợ từng chủ đề phụ và từ khóa.

Ví dụ: Nếu phòng khám của bạn chuyên về chăm sóc chẩn đoán và bạn muốn có một Pillar page đề cập đến chủ đề rộng rãi là Bệnh tiểu đường. Trang này sẽ thông báo cho bệnh nhân về các loại bệnh tiểu đường phổ biến, triệu chứng và cách sống chung với bệnh tiểu đường. Sau đó, bạn có thể xuất bản các bài blog tập trung đặc biệt vào hàng trăm biến thể từ khóa phụ chủ đề bệnh tiểu đường. Đồng thời trên Pillar page về Bệnh tiểu đường, sẽ là các bài đăng như: Tôi có nguy cơ mắc bệnh tiền tiểu đường không? Làm thế nào để biết chắc chắn tôi mắc bệnh tiểu đường hay không? Bệnh tiểu đường nên ăn gì?…

Bằng cách thêm hợp lý các siêu liên kết vào Pillar Page và các bài blog, bạn tạo ra một cấu trúc nội dung toàn diện cho phòng khám. Bệnh nhân truy cập website sẽ dễ dàng tìm thấy gần như mọi thông tin họ cần ở giai đoạn Nhận thức – Quan tâm – Nghiên cứu. Cách tiếp cận SEO toàn diện này phản ánh các mô hình tìm kiếm tự nhiên của bệnh nhân, trang web của bạn sẽ dễ dàng được tìm thấy hơn, hấp dẫn hơn và quan trọng nhất là hữu ích hơn.

5 – Xác định chiến lược trang web và blog phòng khám

Chìa khóa để thành công với SEO là xác định những gì bạn hy vọng đạt được trên mỗi kênh. Đây có thể là một nhiệm vụ đầy thách thức khi so sánh mục tiêu trên website và trên blog phòng khám. Khi nghiên cứu các câu hỏi của bệnh nhân và xu hướng tìm kiếm, bạn có thể sẽ tự hỏi: Liệu chủ đề này có nên xuất hiện trên blog hay trên trang web hay không? Bằng cách xác định rõ ràng những gì nên hiển thị trên trang web và những gì nên đăng trên blog, bạn đang điều chỉnh chiến lược nội dung của mình phù hợp với nhu cầu của bệnh nhân và xây dựng một cách tiếp cận nội dung chu đáo.

Tại Giaiphapclinic, chúng tôi tin rằng blog của phòng khám nên có mặt xuyên suốt hành trình từ nhận thức đến hành động, trong khi trang web nên ở giữa và cuối hành trình. Cụ thể hơn, website phòng khám nên tập trung vào nội dung trực tiếp, xác định và giải thích các dịch vụ điều trị, quy trình khám chữa bệnh và cung cấp rõ ràng các lựa chọn điều trị thích hợp. Website cũng là kênh dành cho cho các nội dung quảng bá thương hiệu, xây dựng uy tín phòng khám như một lựa chọn tốt nhất để điều trị những căn bệnh cần được quản lý trong môi trường lâm sàng. Trong khi đó, blog nên được thiết kế để thu hút và giáo dục bệnh nhân ở đầu hành trình nhận thức và không phải lúc nào cũng cần kêu gọi hành động để tạo doanh thu.

Một ví dụ về cách giải quyết chủ đề Loãng xương trên trang web và blog phòng khám. Trên trang web, bạn sẽ có một trang xác định tình trạng bệnh gồm triệu chứng – nguyên nhân – chẩn đoán – điều trị rất rõ ràng và hướng dẫn bước tiếp theo cần thực hiện cho bệnh nhân. Trên blog, bạn sẽ có các nội dung về chủ đề Loãng xương như: Khi nào tôi cần phải lo lắng về mật độ xương? Khi nào tôi cần đo mật độ xương để chẩn đoán loãng xương? Lợi ích của canxi đối với sức khỏe xương ở phụ nữ, Các bài tập cải thiện chức năng xương cho bệnh nhân loãng xương…

Nguồn bài viết tham khảo: PowerPublish, Healthcaresucces, Hubspot.

Bài viết tương tự