Trang chủ » Quản lý » 12 loại phần mềm quản lý y tế phổ biến nhất (Phần 2)

12 loại phần mềm quản lý y tế phổ biến nhất (Phần 2)

Số hóa ngành y tế mang lại nhiều lợi ích – cải thiện hiệu quả, giảm chi phí, kiểm soát tài chính và dữ liệu bệnh nhân tốt hơn. Các tổ chức y tế đã có rất nhiều giải pháp công nghệ để lựa chọn và các loại phần mềm quản lý y tế mới sẽ tiếp tục ra đời. Công nghệ kỹ thuật số giúp các bác sĩ bắt kịp nhu cầu của bệnh nhân, xác định và vượt qua những thách thức của tình hình thế giới hiện nay. Các giải pháp mới không chỉ đơn giản hóa việc quản lý một tổ chức y tế mà còn đưa quy trình chẩn đoán bệnh lên một tầm cao mới.

6 – Phần mềm quản lý quan hệ bệnh nhân (Healthcare CRM – Customer relationship management)

Phần mềm quản lý quan hệ bệnh nhân (Healthcare CRM) giúp các bệnh viện, phòng khám duy trì mối quan hệ với bệnh nhân. Xét về mục đích, Healthcare CRM không có sự khác biệt đáng kể so với CRM của các ngành khác vì nó phục vụ hoạt động tự động hóa việc bán dịch vụ, đăng ký dịch vụ và cá nhân hóa dựa trên dữ liệu được cung cấp.

Các CRM y tế cung cấp dữ liệu về công việc hàng ngày của phòng khám, bệnh viện. Chúng có thể lưu trữ dữ liệu của bệnh nhân: Lịch sử y tế, thăm khám, hóa đơn. Healthcare CRM sẽ gửi thông báo tự động cho bệnh nhân về các lần tái khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc các lần nạp thuốc theo toa.

Nhìn chung, mục đích của Healthcare CRM là sắp xếp hợp lý tất cả các công việc chăm sóc, duy trì liên lạc, xây dựng kết nối với bệnh nhân và tiếp thị của cơ sở y tế đồng thời cho phép đưa ra các quyết định quản lý, kinh doanh theo hướng dữ liệu. Nhờ có CRM, phòng khám, bệnh viện có thể theo dõi sự hài lòng của bệnh nhân tốt hơn, xác định các vấn đề lặp lại nhanh hơn và tự động hóa các công việc hành chính thông thường.

7 – Phần mềm kê đơn điện tử (E-prescriptions software)

Phần mềm kê đơn điện tử có thể khác nhau giữa các quốc gia vì phần mềm này rất phụ thuộc vào các quy định của chính phủ. Tuy nhiên, giá trị cốt lõi của nó không thay đổi. Phần mềm kê đơn điện tử cho phép bác sĩ không chỉ viết đơn mới mà còn có thể theo dõi lịch sử đơn thuốc, gia hạn hoặc hủy bỏ nếu cần thiết. Ở một số quốc gia, trong nhiều trường hợp, loại phần mềm này cho phép bệnh nhân liên hệ trực tiếp với các hiệu thuốc và đặt thuốc mà không bị hiểu nhầm hoặc sai sót.

Bên cạnh đó, phần mềm kê đơn điện tử giúp bác sĩ kiểm tra bất kỳ xung đột nào với các loại thuốc đã dùng, từ đó tăng sự an toàn cho bệnh nhân.

8 – Phần mềm chẩn đoán y tế (Medical diagnosis software)

Chúng ta có thể phân biệt giữa hai loại phần mềm chẩn đoán y tế: Ứng dụng cho bệnh nhân và một loại phức tạp hơn – phần mềm chẩn đoán cho các bác sĩ.

Ứng dụng chẩn đoán cho bệnh nhân thường là bảng câu hỏi đơn giản hoặc chatbot đóng vai trò là công cụ kiểm tra triệu chứng giúp bệnh nhân có kiến ​​thức dựa trên chuyên môn y tế, thay vì để họ dựa vào Google tìm kiếm. Chúng đã trở thành một công cụ được sử dụng phổ biến trong đại dịch Covid-19, giúp điều hướng bệnh nhân thông qua các triệu chứng Covid-19 có thể xảy ra. Nhiều chính phủ đã sử dụng giải pháp này như một phần trong chiến lược của họ. Nhưng những ứng dụng tự chẩn đoán này có thể được sử dụng trong nhiều điều kiện khác nhau để hỗ trợ những bệnh nhân có thể cảm thấy bất lực và lạc lõng khi đối mặt với hố đen của các triệu chứng có sẵn trên Google.

Loại phần mềm chẩn đoán khác được nhắm mục tiêu vào các bác sĩ và chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Phần mềm chẩn đoán AI – Trí tuệ nhân tạo có thể hỗ trợ các bác sĩ thu thập, phân tích dữ liệu và xác định các triệu chứng bệnh không đặc hiệu góp phần chẩn đoán và nghiên cứu nhanh hơn. Tất cả thông tin ẩn danh có thể được chia sẻ giữa các tổ chức chăm sóc sức khỏe.

Trong số tất cả các loại phần mềm được sử dụng trong bệnh viện, các chương trình chẩn đoán y tế có thể mang lại nhiều lợi ích nhất cho các bác sĩ. Nó có thể cung cấp một cái nhìn tổng thể về tình trạng của bệnh nhân nhờ tính năng chia sẻ dữ liệu tự động giữa các chuyên khoa y tế khác nhau. Các chuyên gia từ các lĩnh vực khác nhau có thể thêm thông tin vào hồ sơ bệnh nhân, đánh giá nó trong thời gian thực và từ góc độ rộng hơn nhiều.

Công nghệ trí tuệ nhân tạo đóng một vai trò không thể thiếu ở đây, mặc dù mức độ của nó có thể khác nhau trong các công cụ khác nhau. Trong một số trường hợp, nó cung cấp khả năng tăng tốc trao đổi dữ liệu và chẩn đoán đơn giản. Trong những trường hợp khác, nó có thể đi kèm với các tính năng nâng cao như phát hiện triệu chứng sớm. Dù bằng cách nào, các giải pháp AI đều có tiềm năng to lớn cho tương lai của y học.

9 – Phần mềm chẩn đoán hình ảnh y khoa (Medical imaging software)

Phần mềm chẩn đoán hình ảnh y khoa được sử dụng chủ yếu để xử lý quét MRI/ CT/ PET và thiết kế các mô hình 3D. Phần mềm phân tích hình ảnh y khoa thường đi kèm với các công cụ chẩn đoán máy học và trí tuệ nhân tạo, có thể xử lý khối lượng lớn dữ liệu và cho phép các bác sĩ tập trung vào các vấn đề cần họ chú ý ngay lập tức. Đối với bệnh nhân, điều này có nghĩa là họ được chẩn đoán nhanh hơn và được cung cấp dịch vụ chăm sóc cao hơn.

Một ứng dụng khác của phần mềm chẩn đoán hình ảnh y khoa là mô hình 3D giải phẫu người hoặc thiết kế thiết bị.

  • Mô hình 3D giải phẫu người. Các chương trình như vậy cho phép các kỹ thuật viên y tế tạo ra các mô hình phù hợp cho từng bệnh nhân. Ví dụ, phần mềm mô hình 3D được sử dụng để tạo và in ra mô hình răng thật của bệnh nhân trước khi điều trị chỉnh nha theo kế hoạch.
  • Thiết kế và in thiết bị hoặc bộ phận cơ thể. Phần mềm này được sử dụng để in các thành phần của thiết bị y tế hoặc các bộ phận cơ thể, như chân tay giả hoặc stent mạch vành cần thiết cho phẫu thuật tim mạch.

10 – Phần mềm đặt lịch hẹn (Appointment booking software)

Phần mềm đặt lịch hẹn được sử dụng bởi các bác sĩ, phòng khám tư nhân và gần đây nhất là bệnh viện. Thông thường, nó bao gồm hai bảng, một bảng riêng biệt hướng về phía bệnh nhân và một bảng quản lý ở phía bên phòng khám. Mục tiêu chính của nó khá dễ hiểu: Đó là hợp lý hóa quy trình đặt lịch khám với bác sĩ. Bệnh nhân có thể dễ dàng đặt lịch hẹn, nhận thông báo, cung cấp trước thông tin liên quan cho bác sĩ và cũng có thể lên lịch lại hoặc hủy cuộc hẹn.

Từ phía quản lý, nó cho phép phòng khám có một cái nhìn minh bạch và dễ dàng phân tích lịch trình của bác sĩ. Đối với lễ tân của phòng khám, đó là một cách tốt để sắp xếp các công việc thường ngày như xác nhận và đặt lại các cuộc hẹn đã lên lịch khi có thay đổi.

11 – Phần mềm thanh toán y tế (Medical billing software)

Phần mềm thanh toán y tế đơn giản hóa và tự động hóa các thủ tục thanh toán y tế. Nó cho phép các phương thức thanh toán an toàn và theo dõi giao dịch dễ dàng hơn. Phần mềm cũng có thể cung cấp các tùy chọn phân tích nâng cao, có thể rất quan trọng trong việc đánh giá tình trạng tài chính chung của tổ chức y tế cũng như các cơ hội tiết kiệm chi phí. Phần mềm thanh toán y tế vẫn có sẵn dưới dạng ứng dụng độc lập, nhưng nhiều hệ thống quản lý bệnh viện, phòng khám cũng cung cấp tính năng này. Nó có thể được đồng bộ hóa với EHR để kiểm tra chéo hồ sơ thanh toán của bệnh nhân với bệnh sử của họ.

12 – Ứng dụng theo dõi sức khỏe (Health tracking apps)

Ứng dụng theo dõi sức khỏe chắc chắn là nhóm phần mềm y tế rộng nhất, vì chúng có thể liên quan đến: Theo dõi hoạt động thể chất và theo dõi chuyển động, ăn kiêng và giảm cân, và loại rất phổ biến gần đây: Sức khỏe tinh thần.

Lập luận rằng chúng là các ứng dụng bán y tế và không được kết nối trực tiếp với phần mềm quản lý y tế chuyên nghiệp chắc chắn đã lỗi thời. Mặc dù các ứng dụng này chưa được kết nối chặt chẽ với phần mềm quản lý y tế chuyên nghiệp, nhưng chúng đang trở thành một nguồn dữ liệu sức khỏe bổ sung. Các ứng dụng theo dõi sức khỏe cho người tiêu dùng có tiềm năng lớn, không chỉ phổ biến việc chăm sóc bản thân mà còn có thể đóng vai trò như một nguồn dữ liệu thông báo về sức khỏe của bệnh nhân để thúc đẩy chăm sóc sức khỏe cá nhân hóa.

Chúng thường là ứng dụng đồng hành với thiết bị đeo được, trong đó phổ biến nhất là Apple Watch, Fitbit cho dữ liệu thông thường của bạn như chuyển động, nhịp tim, giấc ngủ. Nhưng chúng còn là nhẫn, vòng cổ và các loại vòng tay khác được tạo ra để hỗ trợ khả năng sinh sản (đo nhiệt độ cơ thể và ngày cụ thể của chu kỳ kinh nguyệt), đo đường huyết…

>> Tham khảo thêm: 12 loại phần mềm quản lý y tế phổ biến nhất (Phần 1) tại đây!

Bài viết liên quan

Bài viết nổi bật

Bài viết mới nhất

Back to Top