12 loại phần mềm quản lý y tế phổ biến nhất (Phần 1)

Chuyển đổi kỹ thuật số đã nhanh chóng trở thành hiện thực đối với tất cả các lĩnh vực kinh doanh. Y tế và chăm sóc sức khỏe cũng không ngoại lệ. Đại dịch COVID-19 đã chứng minh tầm quan trọng của việc số hóa các dịch vụ y tế. Tất cả các tổ chức cung cấp dịch vụ y tế công và tư đều phải đối mặt với những thách thức mới, đòi hỏi phải mở ra những khả năng công nghệ mới.

Y tế có thể là một trong những ngành phức tạp nhất để số hóa vì nó liên quan đến nhiều bên: Từ bệnh viện, phòng khám, trung tâm y tế, bác sĩ gia đình, công ty dược phẩm và nghiên cứu, cho đến chính bệnh nhân. Tuy vậy, công nghệ đang và sẽ thâm nhập vào tất cả các khía cạnh của dịch vụ y tế, từ quản lý nhân viên và cơ sở đến chăm sóc và chẩn đoán bệnh nhân. Các tổ chức y tế hiện nay đã có nhiều loại hình phần mềm và giải pháp công nghệ quản lý để lựa chọn hay mở rộng theo nhu cầu của họ.

Trong bài viết này, Giaiphapclinic sẽ cùng bạn xem xét 12 loại phần mềm quản lý y tế được sử dụng phổ biến, không chỉ thời gian gần đây mà chắc chắn sẽ còn giữ được vị trí của chúng trong tương lai.

>> Tham khảo thêm: 12 loại phần mềm quản lý y tế phổ biến nhất (Phần 2) tại đây!

1 – Hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR – Electronic health record)

Hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR) có lẽ là loại phần mềm quản lý y tế phổ biến nhất và quan trọng nhất. Hệ thống EHR thu thập và lưu trữ kỹ thuật số dữ liệu bệnh nhân, bao gồm: Thông tin cá nhân, lịch sử y tế (bao gồm các thủ tục và thuốc kê đơn), kết quả xét nghiệm, tiền sử bệnh tật, các khuyến nghị của bác sĩ…

Tính năng EHR quan trọng nhất là thông tin sức khỏe của bệnh nhân có thể được tạo và quản lý bởi các cơ sở y tế được ủy quyền, sau đó được chia sẻ với các nhà cung cấp dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe khác. Điều này không chỉ tự động hóa và hợp lý hóa quy trình làm việc của các cơ sở y tế, vì họ không cần phải thu thập lại cùng một thông tin từ cùng một bệnh nhân mà còn cải thiện rõ rệt việc chăm sóc bệnh nhân. EHR giảm thiểu sai sót, cải thiện sự an toàn của bệnh nhân và hỗ trợ kết quả của bệnh nhân tốt hơn.

Một số EHR không chỉ lưu giữ hồ sơ về thuốc và dị ứng của bệnh nhân mà còn tự động kiểm tra cơ sở dữ liệu thuốc tích hợp khi một loại thuốc mới được kê đơn để cảnh báo cho bác sĩ về khả năng xảy ra xung đột hoặc dị ứng.

Bên cạnh đó, có nhiều EHR được xây dựng bao gồm cả mô-đun tài chính để lập hóa đơn, thanh toán và một cổng thông tin riêng cho bệnh nhân, cho phép bệnh nhân truy cập lịch sử tư vấn, hồ sơ y tế và đơn thuốc của họ. Nhìn chung, EHR làm giảm nguy cơ sao chép dữ liệu, mất dữ liệu hoặc thông tin quan trọng về sức khỏe của bệnh nhân. Chúng cũng tiết kiệm chi phí, so với hồ sơ y tế giấy – có nhiều khả năng bị sao chép, không đọc được hoặc bị hủy trong một thời gian dài.

EHR được sử dụng ở cả phòng khám và bệnh viện và thường được tích hợp với phần mềm quản lý nội bộ của bệnh viện và phòng khám.

  • Phần mềm hồ sơ bệnh nhân điện tử (EPR – Electronic Patient Record) – được các bệnh viện, phòng khám sử dụng nội bộ để lưu trữ và xử lý thông tin bệnh nhân của họ.
  • Phần mềm hồ sơ y tế điện tử (EMR – Electronic Medical Record) – được bệnh viện, phòng khám sử dụng để lưu trữ dữ liệu như loại thuốc và liều lượng, các quy trình và kế hoạch điều trị cũng như dữ liệu về quá trình phục hồi của bệnh nhân.

2 – Phần mềm cơ sở dữ liệu y tế (Medical database software)

Tương tự như phần mềm EHR, phần mềm cơ sở dữ liệu y tế lưu trữ lịch sử và kế hoạch điều trị của bệnh nhân. Tuy nhiên, không giống như trong EHR, cơ sở dữ liệu được phân loại theo bệnh chứ không phải theo hồ sơ của bệnh nhân.

Phần mềm cơ sở dữ liệu y tế giúp các bác sĩ trong hai lĩnh vực chính:

  • Đưa ra quyết định điều trị tốt hơn bằng cách tham khảo chéo trường hợp của bệnh nhân với các trường hợp tương tự.
  • Tự giáo dục bản thân bằng cách xem xét các trường hợp lâm sàng của một bệnh nhất định.

Ví dụ: Bác sĩ da liễu có thể sử dụng loại phần mềm này để duyệt qua tất cả bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh viêm da dị ứng và so sánh các triệu chứng, phương pháp điều trị và kế hoạch phục hồi của họ.

3 – Phần mềm y tế từ xa (Telemedicine software)

Telemedicine – Y tế từ xa đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám chữa bệnh của bệnh nhân trong đại dịch Covid-19, khi các chuỗi chăm sóc sức khỏe thông thường bị xáo trộn và nhiều người không thể đến gặp bác sĩ trực tiếp một cách thường xuyên. Nhu cầu này được chứng minh là chất xúc tác cho cuộc cách mạng y tế và chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số toàn cầu.

Hiện nay, nhu cầu về y tế từ xa có thể đã giảm xuống từ mức cao nhất mọi thời đại, nhưng các ứng dụng và phần mềm quản lý y tế từ xa đã khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực y tế kỹ thuật số. Covid-19 đã phá vỡ rào cản chính đối với các nhà cung cấp dịch vụ y tế từ xa, chủ yếu là: Làm thế nào để khuyến khích bác sĩ và bệnh nhân áp dụng công nghệ đó nhanh hơn? Ngày càng có nhiều ứng dụng và dịch vụ y tế từ xa xuất hiện trên thị trường và chúng cung cấp nhiều tính năng có sẵn trong một nền tảng: Từ thăm khám trực tuyến thông qua trình duyệt web hoặc ứng dụng di động, truyền tệp tin (kết quả xét nghiệm của bệnh nhân), kê đơn thuốc cho đến thanh toán.

Ứng dụng y tế từ xa Teladoc Health. Nguồn: Teladoc.

4 – Phần mềm theo dõi bệnh nhân từ xa (RPM – Remote patient monitoring)

Theo dõi bệnh nhân từ xa (RPM) có thể thu thập dữ liệu bệnh nhân bên ngoài môi trường lâm sàng truyền thống (phòng khám hoặc bệnh viện), và do đó, sẽ có được thông tin kỹ lưỡng hơn về sức khỏe của bệnh nhân, hoặc thậm chí giúp tiến hành chẩn đoán từ xa dựa trên dữ liệu đó.

RPM đề cập đến công nghệ cụ thể được sử dụng để truyền thông tin điện tử giữa bệnh nhân và bác sĩ và nó là một thành phần của lĩnh vực y tế từ xa rộng lớn hơn. Phần mềm theo dõi bệnh nhân từ xa cũng có thể cảnh báo cho bác sĩ hoặc phòng khám nếu phát hiện bất kỳ loại bất thường nào. Tương tự như các dịch vụ y tế từ xa, việc theo dõi bệnh nhân từ xa đã đạt được động lực trong thời kỳ đại dịch khi các quy trình quản lý y tế truyền thống bị xáo trộn.

Các ví dụ phổ biến về thiết bị theo dõi sức khỏe từ xa bao gồm máy theo dõi đường huyết liên tục nhắc nhở bệnh nhân tiểu đường uống insulin, đồng thời cho phép bác sĩ theo dõi bệnh. Máy đo huyết áp kỹ thuật số cho phép bệnh nhân gửi từ xa cho bác sĩ huyết áp và nồng độ oxy trong máu. Nhìn chung, công nghệ và thiết bị RPM có thể cải thiện rõ rệt các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà cho những người mắc bệnh mạn tính, những người đang hồi phục sau phẫu thuật và bệnh nhân cao tuổi.

5 – Phần mềm quản lý bệnh viện/ phòng khám (HMS – Hospital management software/ CMS – Clinic management software)

Phần mềm quản lý bệnh viện (tương tự đối với phòng khám) cung cấp cả thông tin và khả năng quản lý cho ba nhóm liên quan có mặt tại bệnh viện: Quản lý bệnh viện, bác sĩ và các nhân viên được ủy quyền khác và bệnh nhân.

HMS thường bao gồm hai cổng riêng biệt, một cổng có các tính năng hướng tới quản lý và một cổng có sẵn cho bệnh nhân.Các tính năng hướng tới quản lý bao gồm: Tài chính – kế toán; lịch trình của bác sĩ và các cuộc hẹn đã lên lịch; giám sát, quản lý và thông tin nhà thuốc; vật tư thiết bị y tế; quản lý giường bệnh… Phần mềm quản lý bệnh viện thường tích hợp với phần mềm EHR giúp theo dõi đồng thời hồ sơ bệnh nhân.

Cổng thông tin cho bệnh nhân phải bao gồm: Biểu mẫu đăng ký bệnh nhân được số hóa; thông tin tiếp nhận bệnh nhân (Mô-đun này thường được đồng bộ hóa với hồ sơ bệnh án điện tử EMR, đồng thời giao tiếp với các cơ sở dữ liệu y tế khác để truy xuất và cập nhật hồ sơ sức khỏe điện tử EHR); thông tin thanh toán của bệnh nhân, bảo hiểm, thông báo về việc tiếp nhận, thủ tục, cuộc hẹn với bác sĩ, tất cả các loại thuốc và thông tin kê đơn.

Hệ thống quản lý bệnh viện không chỉ cải thiện năng suất tổng thể của bệnh viện, hợp lý hóa các quy trình mà còn cải thiện trải nghiệm của bệnh nhân trong bất kỳ tương tác nào. HMS cũng cho phép các bệnh viện thu thập và phân tích dữ liệu có giá trị về tất cả các khía cạnh hoạt động của họ.

Bài viết tương tự